Cập nhật lúc: 30/06/2021

Bế mạc Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (Đợt 2): Nỗ lực vượt khó

VHO - Sau gần nửa tháng diễn ra liên hoan sôi nổi với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 22 đơn vị nghệ thuật, tối ngày 30.6, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Lễ Bế mạc Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2). Liên hoan được Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tiết mục hòa tấu dàn nhạc Knăm Hgơr còn thương nhau thì về của Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk mở màn Lễ bế mạc

Dự Lễ bế mạc có Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan… cùng nhiều nghệ sĩ, diễn viên và khán giả gần xa. 

Sự vươn mình trở lại của các loại hình Ca múa nhạc

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Chúng ta vừa trải qua 13 ngày của Liên hoan với những ấn tượng tốt đẹp, khó quên qua sự tỏa sáng của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ đã phô diễn tài năng của mình qua 22 chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đặc sắc. Vượt lên trên sự tác động của dịch Covid-19, với quyết tâm, cố gắng lòng yêu nghề các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên đã cho chúng ta thấy tính sáng tạo, luôn bám sát những hơi thở cuộc sống đương đại, nhưng lại thể hiện được sắc thái riêng, đặc trưng của văn hóa các vùng miền nơi họ sinh sống và lao động, tạo nên một bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ bế mạc Liên hoan

“Qua theo dõi, tôi rất mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều chương trình ca, múa, nhạc đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng. Đặc biệt, những chương trình sáng tạo, mới mẻ từ dàn dựng, âm nhạc, phối khí, biên đạo, âm thanh, ánh sáng, màn hình Led, đến phong cách thể hiện… tất cả sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh hoa, tinh tế của các thể loại ca múa nhạc, vũ kịch. Tôi biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao, quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn cho các chương trình có chất lượng tốt, cho thấy sự nỗ lực thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới của ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, năm 2021 vừa qua, khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam. Chỉ khi nhiệm vụ xây dựng văn hóa nghệ thuật trở thành thường trực, nền tảng văn hóa trở thành tự nhiên, trong mỗi cộng đồng, mỗi con người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, cái tốt đẹp sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái xấu, cái phản cảm, đó chính là sức mạnh nội sinh của văn hóa nghệ thuật. "Chính vì vậy, thông qua Liên hoan lần này, tôi đề nghị lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần chủ động thay đổi, mở rộng tư duy, mạnh dạn hành động, tiếp tục chú trọng, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để xây dựng những chương trình ca múa nhạc đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật, đáp ứng sự trông đợi của khán giả và nhân dân", Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị.

NSND, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài đánh giá chất lượng của Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2)

Thay mặt Hội đồng nghệ thuật, NSND, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài đánh giá: “Có thể thấy, bên cạnh những tác phẩm bám chắc vào chất liệu bản sắc của từng vùng miền, là những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ đương đại một cách sáng tạo không rập khuôn cứng nhắc, tạo nên một bức tranh đa sắc trong nền âm nhạc và múa Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải kể đến những đóng góp tuyệt vời của dàn nhạc: Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Đoàn Văn công Quân khu 7, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen Tp.HCM… Hội đồng nghệ thuật cũng nhận thấy hai đoàn ba lê của Nhà hát Giao hưởng – Nhạc vũ kịch Tp.HCM và Nhà hát Vũ kịch Việt Nam với năng lượng dồi dào luôn chứng minh khả năng dựng kịch múa. Chương trình của họ đã chạm vào cảm xúc người xem, đồng thời đạt độ chuẩn xác vươn tầm quốc tế”.

"Tiêu chí đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật là: Độ chuẩn xác, kỹ thuật, phong cách biểu diễn (tiêu chí từ trung bình - khó) và đặc biệt là sự tìm tòi đột phá trong khâu xử lý tác phẩm… Về sáng tác, chỉnh biên nâng cao dễ nhận thấy nhiều chất liệu nguyên gốc được sử dụng trong Liên hoan như: Hát then, hát khắp, hát canh, hát tế lễ dân ca Tây Nguyên, dân ca Nam Bộ, đàn ca tài tử, hát Aray, Kh’me,…", NSND, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài cho biết.

"Ngoài việc sử dụng dân ca nguồn gốc kết hợp đương đại rất cần khích lệ việc phát triển nâng cao giúp cho hình thành một dòng dân gian đương đại có sức sống mới đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng yêu nghệ thuật ca múa nhạc. Bên cạnh những tiết mục múa khai thác, phục dựng lễ tế, lễ cúng, lễ hội dân gian,… là những tiết mục tìm tòi sáng tạo gây được ấn tượng tốt về thị giác, tạo điều kiện để diễn viên thể hiện tối đa những kỹ năng biểu diễn của mình. Những đóng góp lớn về ngôn ngữ múa đương đại trong những năm gần đây được chào đón nồng nhiệt và trân trọng, tuy nhiên việc phát triển tìm hướng đi tiếp thì gần đây có dấu hiệu lặp lại trong khi đề tài và góc tiếp cận để xây dựng nên tác phẩm luôn rộng mở", nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài nói.

NSND, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài cũng thẳng thắn cho rằng, việc xây dựng chương trình ca múa nhạc theo chủ đề những chương hồi, lời dẫn… sử dụng âm thanh, ánh sáng, màn hình led, video-arrt… là những thành tố không thể thiếu được trong chương trình, song cũng bộc lộ những hạn chế như: Dễ dãi trong sử dụng hình ảnh tư liệu, lạm dụng hình ảnh độ dài trong vấn đề gây hiệu ứng về thị giác…, khâu biên tập bộc lộ sự chắp vá (chọn bài, năng lực nghệ sĩ thể hiện), khâu đặt bài sáng tác mới cần được chú trọng để đạt được chất lượng phù hợp chủ đề chương trình.

Những sắc màu vùng miền độc đáo

Theo BTC, mỗi đơn vị nghệ thuật đến với Liên hoan đều cố gắng mang bản sắc của từng vùng miền giới thiệu đến công chúng gần xa trên cả nước. Đơn cử như: Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (tỉnh Khánh Hòa) mang đến chương trình Khánh Hòa miền đất tình yêu và huyền thoại, Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Ninh Thuận mang đến chương trình Miền đất nắng, Đoàn Nghệ thuật Kh'me (tỉnh Sóc Trăng) mang đến chương trình Quê hương nhớ ơn Bác, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng mang đến chương trình Đà Lạt - Suối nguồn cổ tích, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen - TP. Hồ Chí Minh mang đến chương trình Sen trắng… hay chương trình nghệ thuật Huyền tích non cao của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn. 

Theo NSƯT Phùng Văn Muộn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn: Huyền tích non cao tập hợp hơn 50 nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên kỹ thuật. Thông qua các tác phẩm viết về xứ Lạng, sự gìn giữ bản sắc văn hóa xứ Lạng, trong đó đặc biệt là 3 dân tộc Tày, Nùng, Dao. Chương trình tập trung giới thiệu về mảnh đất, con người xứ Lạng đẹp, nên thơ, dạt dào nghĩa tình. Chương trình biểu diễn trong khoảng từ 85 - 90 phút, gồm 13 tiết mục với các thể loại hát, múa độc lập, song ca, đơn ca, tốp ca nam, nữ, hòa tấu nhạc cụ…

Ông Thạch Chăm Rơn, Trưởng đoàn Nghệ thuật Kh’mer tỉnh Sóc Trăng bộc bạch: “Do nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, diễn viên tập thể đơn vị, sự phát động, động viên của các cấp Sở, ngành, đơn vị cũng cố gắng xây dựng 1 chương trình gồm 11 tiết mục mang sắc thái bản sắc văn hóa Kh’mer ở Sóc Trăng đến tham dự liên hoan với tinh thần giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Bản sắc văn hóa dân tộc Kh’mer ở Sóc Trăng rất phong phú, đến với cuộc liên hoan lần này chúng tôi cũng gửi gắm, giới thiệu đến quý khán giả, các đơn vị bạn những bản sắc văn hóa của dân tộc mình, hòa chung với bản sắc văn hóa của 54 dân tộc ảnh em trên cả nước".

Các đoàn tham dự Liên hoan mang đến nhiều chương trình nghệ thuật độc đáo, đặc trưng của các vùng miền

Là đơn vị chủ nhà của Liên hoan năm nay, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk mang đến chương trình mang tên Những bức tranh Bazan đỏ, gồm 2 phần: “Ký ức cội nguồn, Những bức tranh Bazan đỏ. Nghệ sĩ Kpă Tố Nga, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk chia sẻ: “Thông điệp của chương trình là vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại, kết nối với địa phương để gìn giữ, phát huy lợi thế văn hóa của 49 dân tộc anh em sinh sống tại Đắk Lắk. Chương trình diễn ra trong khoảng 80 phút, bao gồm ca, múa, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Chúng tôi đã có những áp lực nhưng luôn được lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Sở VHTTDL quan tâm, động viên, hỗ trợ hết mức”.

Nhà hát CAND và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội mang đến Liên hoan những chương trình nghệ thuật khắc họa đậm nét tâm thế của người lính. Nếu vở nhạc kịch Người cầm lái của Nhà hát CAND có nội dung xoáy sâu về quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, hình tượng Bác Hồ được chuyển tải qua nhiều không gian, thời gian khác nhau, từ khi Người còn là cậu bé 5 tuổi ở Nam Đàn (Nghệ An) đến khi trở về quê hương, chèo lái con thuyền cách mạng… thì chương trình mang chủ đề Rạng rỡ vinh quang - Sao vàng tỏa sáng của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội được xây dựng kết cấu theo 3 chương, thể hiện nổi bật sức trẻ của người lính hôm nay luôn kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, thông qua sự sáng tạo tươi mới trong nghệ thuật ca, múa, nhạc. 

Tâm thế người lính cũng được khắc họa đậm nét thông qua những chương trình nghệ thuật 

Trao đổi với Văn Hóa, NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Trưởng ban Tổ chức Liên hoan cho biết: "Tuy dịch Covid-19 tác động rất lớn đến các hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhưng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong xây dựng các chương trình, vở diễn nghệ thuật với nhiều loại hình, thể loại, đồng thời đã có kế hoạch triển khai tốt cho hoạt động biểu diễn trở lại khi dịch bệnh tạm thời được khống chế. Liên hoan ca múa nhạc đợt 2 lần này thu hút hơn 1000 diễn viên, nghệ sĩ và cán bộ của 22 đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia. Có thể thấy lực lượng tham gia rất phong phú, hùng hậu với rất nhiều màu sắc ở các địa phương. Liên hoan lần này có sự khác biệt là có sự tham gia của 2 nhà Vũ kịch lớn là Vũ kịch Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh".

Vinh danh những chương trình nghệ thuật xuất sắc

Tại Lễ bế mạc, BTC đã trao 3 giải xuất sắc cho Nhà hát Vũ kịch Việt Nam với vở Ballet Hàm Lệ Minh Châu; Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch TP.HCM vở Vũ kịch Kiều, Nhà hát Công an nhân dân vở nhạc kịch Người cầm lái; 7 Huy chương Vàng thuộc về: Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân Đội với chương trình Rạng rỡ vinh quang - Sao vàng tỏa sáng; Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen với chương trình Sen trắng, Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên với chương trình Nẫu, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An với chương trình Sắc; Đoàn Ca Múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk với chương trình Những bức tranh Bazan đỏ; Đoàn Văn công Quân khu 7 với Đất mẹ miền đông và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bình Dương Với Bình Dương - Đất ấm - Tình người.

BTC trao giải cho những cá nhân, tập thể có vở diễn, tác phẩm xuất sắc đoạt giải

Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 4 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng cho các chương trình, vở diễn; 45 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng cho giải tiết mục, diễn viên.

Giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo gồm: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh) - Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội; nhạc sĩ phối khí xuất sắc Tiến Đạt (Đạt Kìm) - Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen;  Biên đạo múa xuất sắc NSƯT Thanh Tùng - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An; diễn viên nam múa chính xuất sắc NSƯT Phan Văn Lương - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; diễn viên nữ múa chính xuất sắc Phạm Thu Hằng - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; nhạc công dân gian xuất sắc Kiên Via Sa Na - Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh; nhạc sĩ xuất sắc Tạ Duy Tấn - Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Nguồn: baovanhoa.vn

In Gửi Email
02623 951 908

02623 951 908