LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Năm 1961, ngay sau ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được thành lập, Đoàn Văn công B3 ra đời tại căn cứ Chư Dliê Ya hay còn gọi là căn cứ H7- Chiến khu Tây Nguyên. Lúc này đồng chí Ama Nô được cấp trên giao nhiệm vụ giữ chức Trưởng Đoàn, bộ phận diễn viên lúc đó chủ yếu là người dân tộc Tây Nguyên ở vùng Cheo Reo Ayun Pa, Ea HLeo.
Cuối năm 1961, Văn Công B5 ra đời, bộ phận diễn viên hầu hết là người Kinh, chương trình biểu diễn của Đoàn B5 chủ yếu là dân ca bài chòi do đồng chí Nguyễn Văn Bốn làm Trưởng Đoàn.
Cuối tháng 04/1962, Trung Ương Cục Miền Nam điều động một bộ phận của Đoàn B3 và một bộ phận của Đoàn B5 sáp nhập và mang tên là Đoàn Văn công Tây Nguyên về hoạt động tại Khu vực miền Đông Nam Bộ, còn lại một bộ phận của B3 và B5 vẫn duy trì và hoạt động chính ở cánh Bắc và cánh Nam Đắk Lắk. Cũng từ đây các đồng chí Lãnh đạo lấy ngày 26/04/1962 làm ngày thành lập. Đoàn tuyển thêm nhiều diễn viên người dân tộc để bổ sung cho chương trình tiết mục hoạt động biểu diễn trong năm 1963, 1964.
Năm 1965, toàn bộ diễn viên từ Miền Đông Nam Bộ có quyết định về lại chiến trường Tây Nguyên sáp nhập lại và mang tên là Đoàn Văn Công Đắk Lắk do đ/c Ama Nô làm Trưởng Đoàn, đ/c Huỳnh Văn Bốn làm Chính trị viên, các đ/c Krông Y Tuyên, đ/c Minh Phong, đ/c Y Drai làm Phó Trưởng Đoàn. Trong những năm 1968 đến 1972 Đoàn đã tham dự các cuộc Hội diễn của Quân khu và được đi phục vụ Chiến sỹ thi đua toàn Mặt Trận B3 nhiều tiết mục được Ban Tổ Chức đánh giá cao và khen thưởng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng năm 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất cũng là thời điểm mở đầu cho Đoàn bước vào một giai đoạn mới. Chặng đường từ 1975 đến 1980 là một giai đoạn quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Đoàn. Đó chính là giai đoạn chuyển từ một đơn vị nghệ thuật mang tính chất Văn công Xung kích trong chiến trường chống Mỹ trở thành một Đoàn Nghệ thuật mang tính Chuyên nghiệp. Trong 5 năm hoạt động, Đoàn đã biểu diễn nhiều đợt tại các điểm vùng sâu vùng xa của tỉnh, biểu diễn phục vụ quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân tỉnh Mondulkiri (Campuchia) giai đoạn này anh em diễn viên của đoàn liên tục bị Fulro và tàn quân Polpot truy đuổi, vây bắt, phục kích, pháo kích. Với thành quả đó, năm 1981 Đoàn Ca múa Đắk Lắk được Nhà Nước tặng thưởng HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG hạng III.
Đến năm 1991, UBND tỉnh quyết định đổi tên ĐOÀN CA MÚA ĐẮK LẮK thành ĐOÀN CA MÚA DÂN TỘC ĐẮK LẮK. Việc đổi tên cũng là định hướng mà tỉnh đã vạch ra để bảo tồn và phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc Tây Nguyên. Có được kim chỉ nam quý báu đó, cuối năm 1991 Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk bắt đầu đẩy mạnh việc đi sâu nghiên cứu vốn nghệ thuật truyền thống các Dân tộc Êđê, Mnông, Gia rai…Mạnh dạn sáng tạo, phát huy từ bản gốc phát triển và sáng tác nhiều tác phẩm mới. Năm 1997 kỷ niệm 35 năm thành lập, Đoàn vinh dự được Nhà Nước tặng thưởng HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG II và phong tặng NSƯT cho 2 nghệ sỹ Y Moan và Vũ Lân. Những thắng lợi trong chặng đường 1991 - 1998, khẳng định sự chỉ đạo của các cấp, Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk đã đi đúng hướng, đi lên từ cội nguồn Văn hóa Truyền thống Dân gian Dân tộc, mạnh dạn sáng tạo mang hơi thở của nhịp sống mới.
Từ năm 2001 đến 2010, là giai đoạn mà đoàn đạt nhiều thành công trong việc biểu diễn phục vụ chính trị vùng xâu, vùng xa, tham gia Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, như: Biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ IX (năm 2001). Sau sự kiện chính trị đầu tháng 02/2001, với nhiệm vụ là người Nghệ sỹ Cách mạng trên mặt trận Văn hóa Tư tưởng và vận động quần chúng, Đoàn đã tổ chức 34 đêm biểu diễn liên tục tại các Xã, Huyện được coi là điểm nóng như: Ea Soup, Buôn Đôn, Ea H’Leo, M’Đrak và các xã phường ven Tp.Buôn Ma Thuột, chương trình được biên tập nhiều bài hát có lời dịch bằng tiếng Dân tộc, các tiết mục của Đoàn mang đậm chất Dân gian truyền thống nên bà con ở các thôn buôn nơi Đoàn đến rất nhiệt liệt hoan nghênh.
Năm 2002, Đoàn tham gia Hội diễn Ca Múa Nhạc Chuyên nghiệp Toàn quốc, do tỉnh Đắk Lắk đăng cai. Kết quả đạt được: 2 vàng, 3 bạc và 2 giải riêng. Năm 2006, Đoàn tham dự Chương trình Lễ nhạc tháng 9 tại Tp.Turin - Italia, các tiết mục do nghệ sĩ, diễn viên mang đi biểu diễn để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Năm 2007, Đoàn Ca múa Dân tộc được vinh dự là đoàn đại diện các Đoàn Nghệ thuật Việt nam lên đường biểu diễn tại nhiều Thành phố của Nước Cộng hoà Pháp và Thủ đô Bruxsells - Vương quốc Bỉ, tham gia biểu diễn giao lưu Văn hoá Nghệ thuật tại Campuchia. Năm 2008 Đoàn đi biểu diễn tại 5 tỉnh phía Nam Nước Lào, nhân dịp Tết cổ truyền của Nước CHDCND Lào; Đoàn được Bộ Tư Lệnh Hải quân cử đi tặng quà và biểu diễn phục vụ tại quần đảo Trường sa; Biểu diễn giao lưu Văn hoá nghệ thuật tại Thủ đô Phnômpênh nhân dịp Đoàn cấp cao của tỉnh Đắk Lắk sang thăm và công tác tại Vương quốc Campuchia; Tháng 8/2008, được sự quan tâm của Lãnh đạo Tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn tổ chức trại sáng tác Âm nhạc và Múa lần thứ II, tham dự đợt này có 25 tác giả của tỉnh và TW, kết quả có được là 30 tác phẩm trong đó có 10 tác phẩm biểu diễn phục vụ Lễ Hội Cà Phê BMT lần thứ II cuối năm 2008. Năm 2009 Đoàn tổ chức tập huấn chương trình tham gia Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt hai tổ chức tại Nha Trang tỉnh Khánh Hoà, đứng thứ 5 trong hơn 30 Đơn vị tham gia. Đây là lần Hội diễn thành công nhất của Đoàn sau hơn 10 năm.
Từ những năm 2010-2020, với sự miệt mài, hăng say lao động trong sáng tạo Nghệ thuật của tập thể Cán bộ Nghệ sỹ Diễn viên, Đoàn Ca Múa Dân tộc Đắk Lắk nhận được nhiều bằng khen, thưởng động viên của UBND tỉnh, của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, của Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Cờ Đơn vị tiêu biểu xuất sắc năm 2009 và Cờ đơn vị thi đua xuất sắc ngành Nghệ thuật Biểu diễn năm 2010 do Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng. Đặc biệt trong năm 2012 Đoàn tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc do tỉnh Đắk Lắk đăng cai. Kết quả đạt được: 04 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc và 5 giải riêng. Với những thành tích đạt được trong năm 2012 Đoàn vinh dự được Chủ Tịch nước tặng HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG I. Vào tháng 12/2015 NSƯT Y San ALiô vinh dự được Nhà nước phong tặng NSND và Nghệ sỹ Y Joel Knul được phong tặng NSƯT.
Năm 2017 Đoàn tham gia “Liên hoan Độc tấu và Hoà tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017” tại tỉnh Thanh Hoá, với 1 chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc độc đáo mang chủ đề: MẠCH NGUỒN VẪN CHẢY. Tại Liên hoan Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk đã đạt những kết quả: 01 Huy chương Bạc chương trình, 01 Huy chương Vàng tiết mục và 01 Huy chương Bạc tiết mục. Năm 2018 ngoài nhiệm vụ chính trị phục vụ cơ sở các Xã vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ đón giao thừa Xuân Mậu Tuất 2018 và tham gia Festival Huế năm 2018 tại tỉnh Thừa Thiên Huế (4/2018) và Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2018 tại tỉnh Cao Bằng (6/2018); tham gia biểu diễn nghệ thuật trong Chương trình “Lễ hội âm thanh thế giới Jeonju” tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc). Việc tham gia biểu diễn nghệ thuật của Đoàn tại Hàn Quốc nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động văn hoá góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tỉnh Đắk Lắk đến bạn bè quốc tế, qua đó thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bền vững đồng thời khẳng định tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hoá trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Năm 2019, Đoàn tham gia Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2019 tại Thành phố Hải Phòng đạt 02 tiết mục đạt Huy chương Vàng trong tổng số 12 tiết mục đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan, 02 tiết mục đạt Huy chương Bạc trong tổng số 19 tiết mục đạt Huy chương Bạc tại Liên hoan. Ngoài ra Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk được Hội Nhạc sỹ Việt Nam tặng Bằng khen đã biểu diễn xuất sắc trong “Liên hoan Âm nhạc ASEAN - 2019” tại Hải Phòng.
Từ ngày thành lập đến nay, Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk trải qua 59 năm. Có chặng đường kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ mà hào hùng. Có những lúc thăng hoa trong sáng tạo thành công… Nhưng, cũng không ít khúc quanh co đầy dằn vặt, trăn trở…Nhìn chung, Đoàn Ca múa Dân tộc đã có một hướng đi vững vàng, có một tiềm năng phong phú trong kho tàng Văn nghệ Dân gian các Dân tộc trên vùng đất Cao nguyên Đắk Lắk với một đội ngũ Nghệ sỹ Diễn viên nhiều tài năng và bản lĩnh.
Ban biên tập