Dân ca Ê ĐÊ
Dân tộc Ê Đê có tên tự gọi: Anăk Ê Ðê. Các tên gọi khác: Ra Ðê (hay Rhađê), Ê Đê Êgar, Ðê. Các nhóm địa Phương: Kpă, Adham, Krung, Mđhur, Ktul, Dliê, Hruê, Bih, Blô, Kah, Kdrao, Dong Kay, Dong Mak, Ening, Arul, Hwing, Ktlê, Êpan. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Ðảo). Ngôn ngữ Ê Đê được ký âm bằng chữ Latinh.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Ê Đê ở Việt Nam có dân số 331.194 người, cư trú tại 59 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Ê Đê cư trú tập trung tại tỉnh: Đắc Lắc (298.534 người, chiếm 17,2% dân số toàn tỉnh và 90,1% tổng số người Ê Đê tại Việt Nam), Phú Yên (20.905 người), Đắc Nông (5.271 người), Khánh Hòa (3.396 người).
Người Ê Đê làm rẫy là chính, riêng nhóm Bíh làm ruộng nước theo lối cổ sơ, dùng trâu dẫm đất thay việc cày, cuốc đất. Ngoài trồng trọt còn chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải. Trên nương rẫy, ngoài cây chính là lúa còn có ngô, khoai, bầu, thuốc lá, bí, hành, ớt, bông.
Đặc điểm làm rẫy của người Ê Đê là chế độ luân khoảnh, tức là bên cạnh những khu đất đang canh tác còn có những khu đất để hoang để phục hồi sự màu mỡ. Ngày nay người Êđê gắn mình với sản xuất nông sản cây công nghiệp: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao,.. Ngoài nghề trồng trọt người Ê Đê chăn nuôi trâu, bò, voi, và còn tự làm ra được đồ đan lát, bát đồng, đồ gỗ, đồ trang sức, đồ gốm.
Trong gia đình người Ê Đê, chủ nhà là phụ nữ, theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, con trai không được hưởng thừa kế. Đàn ông cư trú trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế theo tục nối dây thì người chồng phải về với chị em gái mình. Khi chết, được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ.Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.
Nhà người Ê Đê thuộc loại hình nhà dài sàn thấp, thường dài từ 15 đến hơn 100m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người. Nhà Ê Đê có những đặc trưng riêng không giống nhà của các cư dân khác ở Tây Nguyên. Là nhà của gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ. Bộ khung kết cấu đơn giản. Cái được coi là đặt trưng của nhà Ê Đê là: hình thức của cầu thang, cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt. Đặc biệt là ở hai phần. Nửa đằng cửa chính gọi là Gah là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà dài, bếp chủ, ghế khách, ghế chủ, ghế dài (Kpan – tới 20 m), chiếng ché,… nửa còn lại gọi là Ôk là bếp đặt chỗ nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi vợ chồng, chia đôi theo chiều dọc, phần về bên trái được coi là “trên” chia thành nhiều gian nhỏ. Phần về bên phải là hành lang để đi lại, về phía cuối là nơi đặt bếp.
Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang.
Trang phục của người Ê Đê có đầy đủ các thành phần, chủng loại và phong cách thẩm mỹ khá tiêu biểu cho các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Y phục cổ truyền của người Êđê là màu đen, có điểm những hoa văn sặc sỡ. Đàn bà mặc áo, quấn váy (Ieng). Đàn ông đóng khố (Kpin), mặc áo, để tóc ngắn quấn khăn màu đen nhiều vòng trên đầu. Y phục truyền thống gồm áo và khố. Phụ nữ Ê Đê để tóc dài buộc ra sau gáy. Họ mang áo váy trong trang phục thường nhật.
Xưa họ để tóc theo kiểu búi tó và đội nón duôn bai. Họ mang đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm. Vòng tay thường đeo thành bộ kép nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau họ có thể nhận ra người quen, thân. Trước kia, tục cà răng qui định mọi người đều cắt cụt 6 chiếc răng cửa hàm trên, nhưng lớp trẻ ngày nay không cà răng nữa.
Người Ê Đê có kho tàng văn học truyền miệng khá phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các trường ca, sử thi Khan. Nổi tiếng với Khan Đam San, Khan Đam Kteh M’lan…
Sử Thi Ê Đê còn có các bài:
– Dăm San
– Khing Ju
– Mdrong Dăm
– Ama H’Wứ
– Anh em Dăm Trao, Dăm Rao
– Anh em Klu, Kla
– Chàng Dăm Tiông
– Hbia Mlin
– Sum Blum
– Xing Nhã
Người Ê Đê yêu ca hát, thích tấu nhạc và thường rất có năng khiếu về lĩnh vực này. Nhạc cụ của họ gồm có: Cồng chiêng, Trống, Sáo, Đàn, Khèn, Gôc, Kni, Đinh Năm, Đinh Tuốc là các loại nhạc cụ phổ biến của người Ê Đê và được nhiều người yêu thích.
CÙNG MÚA VUI (Dân ca Ê Đê)
Cùng múa vui đêm nay tưng bừng
Cùng múa vui liên hoan tưng bừng
Bước đều chân, tay đưa theo nhịp nhàng
Tiếng chiêng trống đánh vang buông làng
Ca toong loong tung, ca toong loong tung.
Dưới đây mình có các bài:
– Dân tộc Ê Đê
– Đôi điều về Cồng Chiêng Ê Đê
– Các nhạc cụ của người Ê Đê
– Các nghi lễ, lễ hội vòng đời người
– Nhà dài truyền thống của người Êđê, Đắk Lắk
– Trang phục dân tộc Nam Êđê
– Trang phục Nữ dân tộc Êđê
Cùng với 20 clips tổng thể văn hóa truyền thống dân tộc Ê Đê để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức. Đặc biệt mình giới thiệu đến các bạn những bài ca của NSND Y Moan nổi tiếng của tộc Ê Đê.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Dân tộc Ê Đê (trích)
Dân ca Ê đê có hai làn điệu chủ yếu là mmuinh và kưt kdjâ, cách gieo vần tương tựu trong khan, ca dao, tục ngữ. Giống như ở các dân tộc anh em, dân ca ê đê dặt câu đối xứng, đúng phương pháp tượng hình và so sánh để làm đẹp câu ca, có sức hút . Hát dân gian Ê đê gồm những bài ca nghi lễ trong chu kỳ một năm và một đời người. Những bài ca nói lên lòng yêu quê hương xứ sở, khát vọng tự do và sau này, có những bài ca mang nội dung cách mạng chứa đựng tình yêu đất nước.
Nghệ thuật múa
Múa chim Grứ:
Múa Chim Grứ (chim đại bàng) là một trong những điệu múa phổ biến trong các lễ hội lớn hay trong nghi lễ cúng Yàng, cầu khấn các thần linh mà người Êđê coi là thần hộ mệnh cho con người. Đặc biệt trong lễ bỏ mả (lui msát), thông qua động tác múa thể hiện lời chào từ biệt của người còn sống đối với người đã đi về cõi ông bà tổ tiên.
Người ÊĐê quan niệm rằng chim Grứ là biểu hiện cho sức mạnh dồi dào, chỉ có chim Grứ mới có thể bay cao nhất trong các loài chim. Nên động tác múa chim Grứ hoàn toàn mô phỏng theo cánh chim đang bay lượn. Ngoài ra, Chim Grứ còn thể hiện quan niệm tâm linh của người Êđê rằng : những người đã qua đời chỉ là chết về thể xác, còn linh hồn của họ vẫn quanh quẩn đâu đó. Có lúc thì vô hình, có khi lại hiện hữu, thông qua hình dạng những con vật như con đại bàng,con bướm hay con nhện mà sau bảy lần biến hình, sẽ lại được đầu thai trở lại làm người.….Tuy nhiên, hình ảnh con chim đại bàng được người ÊĐê tin là linh thiêng nhất, nên chim Grứ thể hiện mối quan hệ giao thoa giữa người sống với linh hồn những người đã chết.
Chim Grứ được coi như là phương tiện đưa linh hồn người chết về thế giới của tổ tiên; đồng thời cũng là hình ảnh thể hiện linh hồn của ông bà tổ tiên đến thăm con cháu trong những ngày có lễ hội và bảo vệ những người đang sống. Vì thế, khi múa người ta đưa tay lên, làm thế nào để người xem tưởng tượng ra như cái đầu , hoặc đôi cánh của chim đại bàng đang bay lượn trên bầu trời.Cũng như mời gọi các vị thần linh, các linh hồn của người đã khuất, về tham gia lễ hội cùng với buôn làng, với gia đình.
Múa chim Grứ có hai hình thức thể hiện cơ bản: Một là chỉ dùng tay biểu diễn, sử dụng sự uyển chuyển của cổ tay, đưa đẩy, chuyển động cả cánh tay tùy tình huống, ý nghĩa của việc lễ hội. Tùy theo lễ hội mà người biểu diễn múa đưa tay lên bao nhiêu lần. Chẳng hạn, trong lễ cúng cột nêu (mđi Gơng Drai), nếu cúng ba cột nêu, thì những người múa làm động tác xoè tay sát dọc theo hai bên thân hình đưa lên đưa xuống ba lần, giống như con đại bàng ba lần vỗ cánh trước khi bay. Nếu cũng 5 ché, phải đưa lên xuống 5 lần. Hai là tay giơ cao quá đầu,chân nhón lên bước nhẹ nhàng lướt qua trước ghế Kpan(lễ cúng rước kpan) và sau ché rượu (trong lễ cúng chúc phúc).
Động tác múa là sự kết hợp giữa đôi tay và đôi chân để luôn tạo ra sự mềm mại, uyển chuyển. Các nghệ nhân có thể biểu diễn điệu múa sao cho phù hợp với tính chất của lễ hội.Những nghệ nhân múa say sưa lúc thì tay đưa lên cao, lúc thì giang ngang,xòe ra uyển chuyển. Ba ngón tay giữa gập xuống, hai ngón út và ngón cái vẫn giữ nguyên vị trí, cổ tay chuyển động theo sự di chuyển của bàn chân và thân hình, tưởng tượng lúc như đôi cánh của con chim Grứ(đại bàng) đang vỗ dập dìu lao vút lên trên bầu trời xanh thăm thẳm của cao nguyên; lúc như chiếc đầu chim đang xoay sang trái, sang phải đưa cặp mắt sáng quắc quét qua toàn bộ khung cảnh xung quanh.
Điệu múa chim Grứ còn được sử dụng trong lễ cúng rước Kpan. Khi ghế kpan được đưa lên nhà sàn hòa trong âm thanh vang rộn của trống, của chiêng ngân vang, các nghệ nhân múa chim Grứ bắt đầu biểu diễn với tiết tấu nhanh, chậm theo nhịp chiêng, có lúc như thác đổ giục dã, vui nhộn, có lúc uyển chuyển nhẹ nhàng bay bổng. Người Êđê tin rằng đó là lúc các nghệ nhân thay lời gia chủ hoặc buôn làng, chuyển lời khẩn cầu được phù hộ hoặc mời gọi đến các vị thần và linh hồn tổ tiên. Đến khi tiếng trống tạm dừng, tiếng chiêng dần dần giảm nhẹ âm lượng và ngừng hẳn thì các cô gái cũng đã múa xong.
Điệu múa chim Grứ của người Êđê luôn hòa quyện với âm thanh dồn dập rộn ràng của dàn ching knah, làm cho lễ hội thêm sôi nổi và lễ cúng càng thêm trang trọng.
Người múa trước đây thường là những người đàn bà lớn tuổi,trang trọng. Sau này đội hình múa dần dần được trẻ hóa, là những cô gái xinh đẹp, thân hình thon thả, đầy sức sống. Và, đặc biệt điệu múa Grứ chỉ được múa với đội hình số lẻ 3, 5, 7, hoặc 9 người.
Múa Khiêl:
Điệu múa Khiêl của người Ê-đê, một hình thức múa võ có lịch sử lâu đời và tồn tại đến ngày nay. Người múa mặc trang phục khá đặc trưng, đầu quấn khăn đỏ, thả hai đuôi khăn về phía trước trán, mặc áo hở ngực, đóng khố kơtel, tay trái cầm Khiêl, tay phải cầm gươm, nhảy múa với động tác mạnh mẽ đầy uy lực, nhưng phải phối hợp với âm nhạc lúc trầm, bổng, lên cao. Múa khiêl thường múa thành từng cặp, từng nhóm. Vì vậy, người múa phải có sự phối hợp hài hoà và chính xác để tránh những va chạm tai nạn. Điệu múa này thường được sử dụng trong các nghi lễ như đâm trâu, bỏ mả.
Nhạc cụ:
Hát dân gian thường gắn liền với việc sử dụng nhạc cụ cổ truyền.
Đàn k’ni:
Thân đàn là một khúc nứa, tre hoặc gỗ tròn nhỏ, không có bầu cộng hưởng. Trên thân có gắn phím bấm. Dây đàn được mắc dọc theo thân đàn. Cung kéo chỉ là một đoạn tre nhỏ hoặc một thanh tre khi diễn tấu người ta cọ phần cật vào dây. Âm lượng nhỏ và với đặc tính như trên, k’ni chủ yếu là nhạc khí để bộc lộ tâm sự, tình cảm của các chàng trai với các cô gái vào những lúc thanh vắng tĩnh mịch. Đôi khi người Ê-đê cũng dùng k’ni để đệm cho hát khóc trong lễ tang
Ống sáo trúc: người Ê đê gọi là Đing, bao gồm:
A. Đing Năm: (5 theo tiếng Ê đê là 6) gồm 6 ống nứa dài ngắn khác nhau được xếp thành hai bè. Tất cả đều được cắm một đầu vào trái bầu khô. Trên lưng mỗi ống được khoét một lỗ ở những vị trí khác nhau để tạo thành nhạc. Tên và cao độ của mỗi ống dựa theo tên và cao độ của các chiêng Knah.
Hình thức diễn tấu: người biểu diễn ngồi hoặc đứng hoặc vừa đi vừa thổi. Khi thổi để Đinh Năm ngang ngực, đầu các ống hơi hướng lên trên, miệng ngậm vào đầu núm bầu, tay phải đỡ dưới hàng ống trên, ngón cái đặt vào lỗ của ống thứ nhất ở bên cạnh, ngón trỏ và ngón giữa đặt vào 2 lỗ của ống thứ 2 và 3, 2 ngón còn lại có chức năng nâng và giữ. Tay phải đỡ hàng ống dưới, các ngón như tay trái.
B. Đing Tak Tar: Nhạc cụ này gồm một ống nứa có ba lỗ, được cắm một đầu vào trái bầu khô.
Khi biểu diễn, người biểu diễn ngồi hoặc đứng, đặt Đinh Tak Tar ngang ngực, phần ống nằm ngang người. Ngón trỏ và ngón giữa tay phải kẹp vào phần ống nứa phía sau, ngón cái bịt đầu ống.Tay trái nắm phần ống dài phía trước, ngón cái bịt lỗ bên cạnh phải, ngón trỏ, ngón giữa đặt lên 2 lỗ nằm phía trên.
Ngoài ra còn có các loại đinh như: Đing buốt chốc, Đing ring, Đing téc.
C. Đinh Buôt Kliă: là cây sáo dọc, làm bằng ống nứa, có 4 lỗ bấm và mỗi lỗ là 1 nốt.
Hình thức diễn tấu: người biểu diễn ngồi hoặc đứng, cây sáo để dọc, phần đuôi hơi hướng ra ngoài, miệng ngậm vào đầu thổi. tay phải ở trên, tay trái ở dưới, ngón cái đặt phía sau, ngón trỏ và ngón áp út đặt lên các lỗ bấm. Ngón giữa có nhiệm vụ giữ ống.