Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá thương hiệu cà phê, du lịch TP. Buôn Ma Thuột
UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành công văn số 3799/UBND-VHTT về việc triển khai xây dựng “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quảng bá thương hiệu cà phê, du lịch TP. Buôn Ma Thuột”.
Tiêu chí, điều kiện của các cơ sở kinh doanh quán cà phê cung cấp trên ứng dụng được UBND thành phố đề ra là: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với cơ sở kinh doanh là hộ kinh doanh) hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp); có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực phẩm, nguyên vật liệu phải đạt chuẩn theo quy định; diện tích tối thiểu trên 100m2, thiết kế trang trí thẩm mỹ, có công trình phụ; có thái độ phục vụ chu đáo; đồng phục nhân viên gọn gàng đảm bảo thuần phong, mỹ tục.
Ngoài ra, các quán cà phê còn phải bảo đảm không gây cản trở các hoạt động giao thông tại lòng đường, đảm bảo an toàn thuận tiện cho các hoạt động đi bộ trên vỉa hè; không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật nổi và ngầm trên tuyến phố, đảm bảo tính thống nhất về cảnh quan trên tuyến phố hoặc từng đoạn phố; tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và các hoạt động của phương tiện chữa cháy; bảo đảm vệ sinh môi trường.
Phòng Lab Cà phê Stone Village tại TP. Buôn Ma Thuột (đạt chuẩn Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế Giới). |
Hình thức đăng ký tham gia: Chủ cơ sở kinh doanh các quán cà phê đảm bảo các tiêu chí nêu trên, đăng ký tham gia tại UBND các phường, xã nơi quán cà phê đang hoạt động theo biểu mẫu đính kèm (Nhà nước hỗ trợ cài đặt ứng dụng, cơ sở kinh doanh không phải chi trả các khoản chi phí tham gia). Đối với các cơ sở kinh doanh quán cà phê chưa đáp ứng các tiêu chí, điều kiện có thể liên hệ UBND phường, xã hoặc phòng Văn hoá và Thông tin thành phố để được hướng dẫn.
UBND thành phố yêu cầu UBND các phường, xã thông báo, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các quán cà phê được biết và đăng ký tham gia. Đồng thời, lập danh sách các quán cà phê đủ điều kiện gửi về UBND thành phố (thông qua phòng Văn hóa và Thông tin) trước ngày 15/10/2022 để xem xét và đưa lên ứng dụng.
Phòng văn hoá và Thông tin chịu trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND thành phố; đồng thời khẩn trương phối hợp với phòng Kinh tế và các cơ quan, đơn vị tham mưu xây dựng “Ứng dụng CNTT trong quảng bá thương hiệu cà phê, du lịch TP. Buôn Ma Thuột”; thời gian hoàn thành và đưa vào vận hành trong tháng 11/2022.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng, việc triển khai xây dựng ứng dụng nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên, qua đó giới thiệu, quảng bá đến Nhân dân và du khách địa điểm các quán cà phê đặc trưng, các điểm du lịch nổi bật trên địa bàn thành phố.
Việc xây dựng “Ứng dụng CNTT trong quảng bá thương hiệu cà phê, du lịch Thành phố Buôn Ma Thuột” có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Đối với các cơ sở kinh doanh quán cà phê: được mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá góp phần tăng doanh thu; thông tin được đăng tải qua kênh chính thống của chính quyền, tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho người dân và khách du lịch khi đến địa phương; trực tiếp tương tác với khách hàng của mình khi họ đã và đang sử dụng các sản phẩm dịch vụ. Đồng thời cung cấp các chia sẻ của khách hàng về dịch vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh giúp cải thiện các điểm yếu và lan tỏa những điểm nổi bật của doanh nghiệp, quán cà phê; tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ, du lịch hoàn chỉnh. UBND thành phố cũng sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cho thuê vỉa hè các quán cà phê (đối với các tuyến đường được Nhà nước cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán).
Đối với người dân và du khách: được cung cấp văn bản, ảnh, video, âm thanh, đồ họa thông tin, bản đồ… tất cả những dữ liệu về phong cách, an ninh trật tự, nguyên liệu pha chế, an toàn vệ sinh thực phẩm của các quán cà phê được kiểm định và đưa vào ứng dụng. Dựa vào đó du khách và người dân có thể lựa chọn được điểm đến phù hợp với sở thích và nhu cầu của bản thân. Khách du lịch, người dân được tương tác với nhau và với các nhà cung cấp dịch vụ, cho phép người dùng đưa ra các quyết định sử dụng dịch vụ hợp lý hơn.
Những người đã sử dụng dịch vụ tại các điểm cung cấp được đưa vào ứng dụng nhận xét các trải nghiệm của bản thân, đánh giá mức độ hài lòng, chia sẻ ý kiến sau chuyến đi… Các tính năng thông minh như: Gợi ý điểm đến lân cận, tiện ích danh bạ hệ thống giao thông, bản đồ thông minh… giúp khách du lịch tiết kiệm được tối đa thời gian, chi phí khi đi du lịch. Tổng đài hỗ trợ du khách giúp xử lý nhanh chóng các vấn đề của du khách trong quá trình tham quan tại TP. Buôn Ma Thuột.
Nguồn : Báo Đắk Lắk